[Review] TOTOLINK N600R - 4 râu , sóng khỏe lạ thường với Turbo mode

Thảo luận trong 'N600R' bắt đầu bởi Nguyễn Ngọc Minh Nhật, 18/5/17.

  1. Nguyễn Ngọc Minh Nhật

    Nguyễn Ngọc Minh Nhật Member

    Tham gia ngày:
    18/5/17
    Bài viết:
    10
    Đã được thích:
    0
    Giới tính:
    Nam
    Từ cái ngày chuyển nhà qua nhà mới, con hàng TP-Link 940N của mình tỏ ra đuối sức khi phải phát sóng từ tuốt tầng 3 xuống tầng 1. Lên lazada lướt vài vòng thì kiếm được em Totolink N600R thông số khá ngon lại thêm 4 râu 5dBi với giá cũng tầm tầm con 940N hồi mới mua của mình. Đặc tả cấu hình con này, các bạn có thể vào trang chủ của Totolink xem nhé.

    Thực ra lúc đầu mình cũng không định mua con này vì nghe thằng bạn nói con 940N có thể cài firmware mod Gargoyles vào rồi kéo công suất cao lên, nhưng suy đi tính lại thì mình không chọn giải pháp này. Vì trước đây mình từng làm chết một con router khi cố cài firmware này nên thành ra nhát tay không dám thử nữa.

    I - Unbox
    [​IMG]
    Ngay ở phía trước hộp, nhà sản xuất Totolink đã nhấn rất mạnh về tốc độ của N600R khi con số 600Mbps được làm to nổi bật hơn hẳn so với các tính năng còn lại của nó. Ngoài yếu tố tốc độ, Totolink còn giới thiệu thêm cả núc gạt Turbo trên N600R mà theo hãng, nó sẽ giúp mở rộng vùng phủ sóng so với mức mặc định. Đây là tính năng mà mình đang rất muốn thử và là lý do thực sự để mình đầu tư con này, ít nhất là về lý thuyết còn nếu test xong kết quả bèo nhèo thì mình sẽ quẳng lên f68 cho ai cần thì có thể mua về. Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý là N600R sẽ được hỗ trợ bảo hành 2 năm 1 đổi 1 từ hãng, cũng khá hấp dẫn đấy.
    [​IMG]
    Mặt sau hộp thì hãng show ra vài thông tin về Turbo Mode cũng như biểu đồ so sánh tốc độ 600Mbps với các chuẩn tốc độ khác dưới nó, trong đó có mức 450Mbps mà con 940N hỗ trợ. Tuy nhiên đấy chỉ là thông số thử nghiệm trong điều kiện lý tưởng, còn thực tế có thể khác nên mình không quan tâm đến cái này.
    [​IMG]
    Phụ kiện của N600R rất tối giản khi chỉ có cáp mạng, adapter nguồn, sách hướng dẫn và catalogue giới thiệu các sản phẩm khác của Totolink. Khá tiếc khi mà Totolink không thủ sẵn cho người dùng bộ đinh để treo tường sản phẩm, do đó muốn treo tường bạn phải tự chuẩn bị bộ đinh phù hợp.
    [​IMG]

    [​IMG]
    [​IMG]
    N600R có thiết kế khá đơn giản và nhỏ gọn hơn so với con 940N mình đang xài, và được Totolink trang bị 4 râu 5dBi so với 940N chỉ có 3 râu. Tuy nhiên, 4 râu này được gắn cố định lên router do đó mình không thể thay thế nếu xảy ra tình trạng hỏng hóc. Mà lúc ấy với "tính năng" bảo hành 2 năm 1 đổi 1 sẽ được mình tận dụng triệt để. Nói chơi vậy thôi chứ mình không mong điều đó xảy ra đâu. Mặt trên của N600R có đèn LED tín hiệu theo đó, nếu bạn không dùng Turbo Mode thì nó sẽ là màu xanh lá và ngược lại là màu đỏ. Khi sử dụng thực tế có lẽ cái màu đèn LED màu đỏ sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.
    [​IMG]
    Phía trái của N600R chúng ta sẽ có gạt công tắc Turbo Mode và các lỗ khí tản nhiệt. Theo như Totolink giới thiệu thì Turbo Mode sẽ mở rộng vùng phủ sóng hơn so với mức mặc định bằng cách tăng cường công suất lên gấp 3 lần bình thường. Cái này mới là cái đáng tiền của N600R tuy nhiên nó có thực sự hiệu quả không thì chưa biết, mình phải thử mới biết được.

    Mặt sau của N600R là dàn cổng kết nối với 4 cổng LAN và 1 cổng WAN và tất nhiên là không thể thiếu cổng nguồn, ngoài ra khu vực này còn được khoét dãy lỗ thoát nhiệt để đảm bảo khả năng tản nhiệt. Lưu ý 4 cổng LAN này chỉ có tốc độ 100Mbps do đó nếu bạn có nhu cầu chuyển file nặng trong môi trường LAN thì nên sử dụng thêm 1 con switch 4 hay 8 cổng 1Gbps để đảm bảo yếu tố tốc độ.

    Bên phải của N600R là nút Reset kiêm chức năng WPS dạng nổi tương tự như con 940N mình đang xài thay vì dạng chìm như nhiều router trước đây mình từng dùng, qua đó giúp mình dễ thao tác hơn trong việc trả thông số mặc định hoặc dùng chức năng WPS để kết nối mạng nhanh cho thiết bị không dây ở nhà.

    Phía trước của con router này thì không có gì đặc biệt ngoài các khe rãnh chắc là để tạo luồng không khí đi vào và đi ra ở mặt sau giúp tản nhiệt các linh kiện bên trong của N600R một cách thụ động. Dưới đít N600R có 2 khe để phục vụ mục đích treo tường, nhưng tiếc là Totolink đã không thêm vào bộ đinh cố định treo tường trong phần phụ kiện.

    II - Cấu hình
    [​IMG]
    Về giao diện người dùng, Totolink sử dụng kiểu thiết kế đơn giản hóa dạng cây thư mục chức năng giúp người dùng điều chỉnh cấu hình dễ dàng và trực quan hơn.
    [​IMG]
    N600R hỗ trợ khá nhiều chế độ sử dụng từ cơ bản đến nâng cao như Gateway Mode, Bridge Mode, Repeater Mode và WISP Mode. Tuy nhiên hiện tại nhà mình đang cấu hình dạng Bridge Mode với modem mạng Dasan H640W làm nguồn ra Internet nhưng không phát sóng WiFi còn 940N sẽ bắt cầu với H640W làm nhiệm vụ phát WiFi ra mạng Internet cho các thiết bị trong nhà. Do đó, với Totolink N600R mình cũng cấu hình Bridge Mode tương tự như 940N để khỏi phải cấu hình lằng nhằng, gây rối cho hệ thống mạng hiện tại.

    Ngoài ra còn nhiều chức năng khác mà N600R cũng có hỗ trợ tuy nhiên, mình cần test nhanh hiệu năng phát sóng của N600R so với 940N ra sao nên không quan tâm mấy. Phần chức năng phụ khi rảnh sẽ cập nhật sau. À con này mình để ý là không có tính năng VLAN nên nhà bạn nào cần xem IPTV thì chú ý, không biết sau này TOTOLINK có cập nhật thêm tính năng này không.

    III - Thử nghiệm

    Trước khi làm việc với N600R thì mình sẽ vẽ ra sơ đồ vị trí đặt router WiFi TP-Link 940N và modem H640W hiện tại.
    [​IMG]
    Lưu ý ký hiệu màu đỏ là con modem nguồn H640W, màu xanh là N600R và màu vàng là 940N. Theo đó, mình sẽ thay thế con 940N và thay vào đó là N600R. Sau đó cấu hình Bridge Mode và kết nối với modem nguồn để có mạng Internet và phát sóng WiFi cho các thiết bị di động. Và vị trí mình muốn phát sóng tới và tốc độ lướt web tốt đó là phòng F của tầng 1 nhà mình. Thêm nữa độ dày sàn nhà với trần trên của mỗi tầng là khoảng 30cm và gói cước Internet nhà mình có băng thông 28Mbps.

    Thiết bị dùng để test sẽ là con laptop của mình. Mình sẽ thử tốc độ Speedtest từng phòng và khu vực ở sơ đồ trên khi dùng N600R phát sóng ở chế độ mặc định và Turbo sau đó so sánh kết quả đo với 940N xem thế nào. Nhận định trước của mình là 940N sẽ khó mà ăn được N600R khi nó chỉ có 3 râu 5dBi so với 4 râu cùng độ gain của con router từ Totolink.
    [​IMG]

    Dưới đây là kết quả Speedtest từng phòng và khu vực của N600R và 940N:
    Phòng A
    [​IMG]
    Phòng B
    [​IMG]
    Phòng C
    [​IMG]
    Phòng D
    [​IMG]
    Phòng E
    [​IMG]
    Phòng F
    [​IMG]
    Như các bạn đã thấy, ở các phòng ABCD tốc độ download/upload (chủ yếu là download) của N600R lẫn 940N đều gần đạt hoặc đạt mức băng thông tối đa 28Mbps. Tuy nhiên nếu để ý kỹ thì đại diện bên phía TP-Link có vẻ nhỉnh hơn một chút so với Totolink ngay cả khi bật chế độ Turbo. Nhưng khi đi xuống sâu hơn về tầng 1, cụ thể là ở hai phòng E và F thì 940N như mình đã đề cập từ lúc đầu, nó tỏ ra rất đuối khi tốc độ bị giảm xuống tới mức khó có thể chấp nhận được, ngay cả N600R cũng chỉ nhỉnh hơn ở phòng E khi qua phòng F thì sấp mặt nốt. Tuy vậy, khi bật chế độ Turbo của N600R lên thì tốc độ ở cả hai phòng E và F đều được cải thiện một cách rõ rệt, đặc biệt là ở phòng F khi tốc độ đã lên được mức khá là 13Mbps đủ để lướt web, YouTube và chơi một số game online di động. Mình rất bất ngờ về kết quả này của N600R khi lúc đầu chỉ nghĩ là Turbo Mode chỉ buff tốc độ lên cùng lắm 8Mbps là cùng, ai dè lại được lên đến 13Mbps, thật không thể tin được!

    IV - Lời kết

    Ưu:

    Thiết kế đơn giản tinh tế, nút chức năng quan trọng Reset/WPS làm dạng nổi.
    4 râu 5 dBi đảm bảo khả năng phát sóng xa.
    Giao diện người dùng trực quan dễ sử dụng.
    Turbo Mode tăng công suất gấp 3 lần giúp mở rộng vùng phủ sóng xa hơn bình thường.

    Khuyết:

    Phụ kiện siêu tối giản, không có bộ đinh cố định treo tường.
    Không có VLAN nên không dùng IPTV được


    Update: Thay vì thay thế con 940N, mình sẽ tận dụng nó làm cục phát sóng AP và cho N600R làm Repeater bắt sóng lại để phát xuống khu vực EF. Cụ thể mình đặt con 940N vào hành lang AB và N600R sẽ để ở CD, mục tiêu là tăng tốc độ Speedtest ở khu vực EF vốn có kết quả lệch khá xa so với 2 hành lang AB và CD.{byebye}Lưu ý là để đảm bảo yếu tố tốc độ mình đã kích hoạt chế độ Turbo trên N600R. {shame}
    Và kết quả Speedtest phòng E (trên) và phòng F đã khả quan hơn rất nhiều {sexy_girl}
    [​IMG]
    Dù phòng F chưa đạt mức Download 28Mbps, chỉ 20Mbps thôi nhưng đó cũng là bước cải thiện khá lớn so với mức 13Mbps khi chỉ cho 1 mình con N600R phát sóng xuống rồi.{adore}

    (Nguồn : vozforums.com)
     
    Last edited by a moderator: 20/5/17